Vợ chồng bà Tuyết chật vật nuôi con

Vợ chồng bà Tuyết chật vật nuôi con

Không nghề nghiệp, chỗ ở ổn định, ở tuổi 50 vợ chồng bà Tuyết phải chật vật nuôi hai con, trong đó người con cả bị bại não từ nhỏ, con trai út mới học lớp 4.

Người con đầu lòng như “Sọ Dừa”

Ở tuổi 50, vợ chồng bà Phùng Thị Tuyết (49 tuổi) và ông Nguyễn Văn Sen (51 tuổi), ấp Long Hòa A, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang phải vất vả chăm con mọn và con trai bại não.

Vợ chồng nghèo vật vã nuôi con lớn bại não, lo con út thất học - 1
Hơn 20 năm qua, bà Tuyết không thể đi làm, dành toàn bộ thời gian chăm người con bại não (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bà Tuyết kể, vợ chồng bà lấy nhau năm 1999, một năm sau đó bà mang thai và hạ sinh con trai đầu lòng, đặt tên là Nguyễn Nhật Hào. Năm nay Hào đã 22 tuổi.

Lúc một ngày tuổi Hào bị lên cơn sốt, co giật. Từ đó đến nay, cậu bé Hào không đi lại, ăn uống phải đút, đến cả việc đi vệ sinh cũng không kiểm soát được.

“Ban đầu tôi nghĩ con chỉ bị vài năm, đợi cứng cáp hơn sẽ khỏi ai ngờ nó chỉ có lớn về thể xác chứ bệnh tình không khả quan bao nhiêu. Thậm chí càng lớn con bị viêm phổi còn nặng hơn”, bà Tuyết kể.

Gia đình bên vợ, bên chồng đều khó khăn, không ai đủ khả năng giúp đỡ, thêm phần nhà chật nên ít năm sau đó vợ chồng bà Tuyết dọn ra ở riêng, sống tạm trong nhà trọ. Hằng ngày ông Sen chạy xe ôm hoặc bốc vác. Còn bà Tuyết ở nhà trông con, thi thoảng có người thuê làm ít chuyện vặt vãnh.

“Tôi phải ở nhà túc trực vì thằng con lớn cứ đau ốm triền miên. Cực nhất là lúc cho ăn vì nó hay bị sặc. Thức ăn là cơm nấu thiệt mềm, trộn ít nước cá hay nước thịt kho. Con cũng không biết uống thuốc nên tôi trộn thuốc trong cơm rồi đút con ăn”, bà Tuyết vừa đút từng muỗng cơm cho con vừa nói.

Vợ chồng nghèo vật vã nuôi con lớn bại não, lo con út thất học - 2
Bà Tuyết đút từng muỗng cơm cho con (Ảnh: Bảo Kỳ).

Bà Tuyết tâm sự: “Mỗi bữa ăn của con lúc nào cũng bừa bộn, cơm văng tung tóe. Không ít lần con bị nghẹn suýt tắt thở, nhờ sơ cứu kịp nên mới không sao. Cả nhà chỉ mỗi tôi chăm sóc được cho con, thế nên tôi chẳng dám đi đâu xa, gửi ai chăm sóc tôi cũng không yên tâm”.

Cũng theo bà Tuyết, có người thấy bà nuôi con vất vả khuyên bà gửi con ở trung tâm bảo trợ xã hội nhưng vì quá thương con bà không đành lòng. Thà để bản thân cực nhọc, chứ bà không muốn rời xa con.

Cố gắng lo cho con biết chữ

Năm 2011, vợ chồng ông bà sinh thêm cháu Nguyễn Nhật Hải. May mắn đã mỉm cười khi Hải ra đời khỏe mạnh, lanh lợi, vợ chồng bà xem đó là niềm an ủi lớn của cuộc đời.

Thêm một thành viên đồng nghĩa với việc chi tiêu, ăn uống của gia đình càng thêm túng thiếu. Bà Tuyết dành hết thời gian ở nhà nuôi con, gánh nặng dồn lên vai người chồng.

Vợ chồng nghèo vật vã nuôi con lớn bại não, lo con út thất học - 3
Gánh nặng cơm áo gạo tiền dồn hết lên vai ông Sen nhưng thu nhập từ nghề chạy xe ôm không đủ trang trải cuộc sống như trước (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Sen tâm sự, ngày trước chạy xe ôm còn đắt khách một mình ông vẫn lo đủ cho cả nhà. Sau này xe cộ nhiều hơn mọi người ít đi xe ôm, cộng thêm 2 năm dịch Covid-19 khiến nghề chạy xe ôm càng bấp bênh.

“Thu nhập không ổn định, có ngày tôi kiếm hơn 100.000 đồng, có ngày chỉ vài chục nghìn. Lúc xăng lên giá, chạy được bao nhiêu cuốc xe cũng chỉ đủ đổ xăng”, ông Sen rầu rĩ nói.

Cứ thế, tiền làm ra bao nhiêu đều đội nón ra đi. Mỗi lần con bệnh cần đi viện vợ chồng bà cố gắng vay mượn để chạy chữa, khiến gia đình kiệt quệ dần.

“Giờ ông trời có thương thì may ra cho cháu Hào được sống, chứ gần đây cháu yếu đi nhiều lắm. Nhìn con quằn quại trong đau đớn bệnh tật, tâm can như bị xát muối, lực bất tòng tâm rồi”, bà Tuyết nghẹn ngào nói.

Vợ chồng nghèo vật vã nuôi con lớn bại não, lo con út thất học - 4
Hy vọng cả nhà trông vào em Nguyễn Nhật Hải. Cậu bé năm nay đã 11 tuổi đang học lớp 4 ở trường Tiểu học Long Thạnh (Ảnh: Bảo Kỳ).

Nhìn về đứa con trai út chăm chú học bài, đôi mắt bà Tuyết ánh lên niềm hy vọng. Bà bảo, giá nào cũng phải lo cho con học hành tử tế, để tương lai con được tươi sáng, không cùng cực như cha mẹ nó.

Bà Lê Thị Thúy Hằng – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Long Thạnh cho biết, hộ bà Tuyết là hộ nghèo của địa phương, do có con bị khuyết tật nên mỗi tháng được lãnh trợ cấp từ Nhà nước. Ngoài ra phía địa phương vẫn hay thăm hỏi, vận động quà cáp, giúp đỡ gia đình.

“Chính quyền xã luôn tạo điều kiện, hỗ trợ mọi mặt và giúp đỡ gia đình nuôi các cháu, tuy nhiên phần sức địa phương cũng có hạn. Mong rằng thông qua Báo Dân trí hoàn cảnh của gia đình chị Tuyết sẽ được nhiều người biết đến, cùng sẻ chia để cả nhà vượt qua khó khăn”, bà Hằng nói thêm.

Bình luận Facebook