Bố mẹ đều bị bệnh, nam sinh 14 tuổi cầu cứu dân mạng: “Làm ơn, làm phước, giúp nhà con đi các anh, các chú”

Bố mẹ đều bị bệnh, nam sinh 14 tuổi cầu cứu dân mạng: “Làm ơn, làm phước, giúp nhà con đi các anh, các chú”

Bệnh tật bủa vây gia đình nghèo

Cầm suất cơm từ thiện dành cho bệnh nhân nghèo đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (cơ sở 2), chị Lô Thị Cúc (35 tuổi, trú bản Na Lướm, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, Nghệ An) chậm rãi bước về phòng trọ. Chị chia nửa suất cơm vào chiếc bát nhựa để dành cho bữa tối rồi ngồi ăn nửa phần cơm còn lại. Có lẽ vì bữa sáng nhịn đói nên giờ chị Cúc ăn một cách ngon lành.

Đã 3 năm nay kể từ ngày chạy thận, chị Cúc thường chỉ dám ăn ngày 2 bữa trưa, tối. Hôm nào có cơm từ thiện, chị mới được ăn no và ngon vì có thêm miếng thịt, con cá. Những ngày còn lại, cơm chan nước mắm cũng không đủ ăn.

Bố tai biến, mẹ suy thận, nam sinh 14 tuổi cầu cứu - 1
Chị Cúc bị suy thận, điều trị nhiều năm nay.

“Nhà tôi nghèo lắm, cơm còn phải chạy ăn từng bữa, tiền đâu mà chữa bệnh. Hàng tháng, chồng gửi 1,5 triệu đồng thì mất 1 triệu trả tiền thuê phòng trọ, 500 nghìn đồng còn lại tôi chi tiêu, sinh hoạt cầm chừng trong một tháng.

Suốt 3 năm xa nhà xuống phố, tôi sống nhờ vào những suất cơm từ thiện cùng sự đùm bọc của những người trong “xóm chạy thận” này. Họ cũng nghèo khó nhưng vẫn cưu mang tôi. Thi thoảng, họ cho tôi quả trứng, con cá, bát cơm để tôi bám trụ qua ngày”, chị Cúc tâm sự.

Bố tai biến, mẹ suy thận, nam sinh 14 tuổi cầu cứu - 2
Cuộc sống của chị nhờ vào những suất cơm từ thiện.

14 năm trước, khi sinh con vừa được 2 tháng tuổi thì chị Cúc được chẩn đoán bị viêm cầu thận. Vì nghèo khó, hiểu biết ít nên chị không thăm khám, điều trị. Đến năm 2017, chị bị đau ruột thừa đi viện phẫu thuật, được bác sĩ kết luận bị suy thận giai đoạn cuối.

“Bác sĩ khuyên chạy thận để duy trì sự sống, nếu để lâu sẽ biến chứng, ảnh hưởng đến tính mạng. Không có tiền chạy thận nên hàng tháng, tôi đến trạm xá xã lấy thuốc bảo hiểm về uống. 3 năm trước, căn bệnh biến chứng nặng, sức khỏe yếu, phải cấp cứu thường xuyên, tôi mới mượn được 15 triệu đồng xuống thành phố chạy thận”, chị Cúc kể lại.

Bố tai biến, mẹ suy thận, nam sinh 14 tuổi cầu cứu - 3
Căn bệnh suy thận khiến chị chưa biết khi nào được về nhà.

Nhà cách thành phố hơn 240km, đi lại khó khăn, tuần phải chạy thận 3 lần nên chị Cúc thuê phòng trọ nhỏ trong “xóm chạy thận” đối diện bệnh viện để tiện cho việc điều trị. Để tiết kiệm chi phí, chị xin mọi người ở ghép nhưng do điều kiện chật chội nên không được.

Chỉ sợ không được gặp lại 2 con

Căn nhà nhỏ của gia đình chị Cúc ở quê được dựng tạm bợ trên nền bê tông, tường bao bằng gỗ thô, mái lợp pro-xi-măng nằm chơi vơi dưới chân một ngọn đồi. Nhà trống trước, hở sau, chẳng có vật dụng gì giá trị. Thiếu bàn tay của người phụ nữ nên ngôi nhà đã cũ nát lại càng thêm bừa bộn.

Bố tai biến, mẹ suy thận, nam sinh 14 tuổi cầu cứu - 4
Cháu Lương Xuân Nhiên đã lâu rồi chưa được gặp mẹ.

Thời điểm chúng tôi ghé thăm, cháu Lương Xuân Nhiên (14 tuổi, con trai chị Cúc) đang học lớp 8, ánh mắt đượm buồn, nhìn về phía xa xăm như đang ngóng đợi mẹ. Đã rất lâu rồi mẹ chưa về nhà, mỗi lần nhớ mẹ, Nhiên cùng chị gái chỉ biết hỏi thăm sức khỏe, nhìn mẹ qua màn hình điện thoại nhờ của hàng xóm.

“Hôm Tết, mẹ về, ngủ bên cạnh chị em cháu được 2 đêm rồi bệnh mẹ trở nặng. Bố lại đưa mẹ xuống thành phố chữa trị đến nay vẫn chưa về nhà. Cháu thương và nhớ mẹ nhiều lắm. Cháu ước mẹ khỏe mạnh để về nhà. Đã rất lâu rồi cháu chưa được gặp mẹ. Nghe nói mẹ mắc bệnh gì đó rất nặng, nếu không có tiền cứu chữa thì mẹ sẽ chết. Cháu sợ mẹ chết. Cầu xin các bác, các dì thương cảm, cứu giúp mẹ cháu với”, Nhiên khẩn cầu.

Bố tai biến, mẹ suy thận, nam sinh 14 tuổi cầu cứu - 5
Anh Lương Văn Tứ bị tai biến nhẹ, sức khỏe yếu nhưng là chỗ dựa, lao động duy nhất trong gia đình, vừa lo vợ bệnh, vừa chăm sóc 2 con đang tuổi ăn, tuổi học.

Nói đến hoàn cảnh chị Cúc, ông Hà Văn Khoa, Trưởng thôn Na Lướm chia sẻ, gia đình chị Cúc thuộc hộ nghèo nhiều năm nay, kinh tế trông chờ vào hơn một sào ruộng. Từ ngày chị Cúc mắc bệnh hiểm nghèo, cuộc sống càng thêm khó khăn. Anh Lương Văn Tứ (37 tuổi, chồng chị Cúc) bị tai biến nhẹ, sức khỏe yếu nhưng là chỗ dựa, lao động duy nhất trong gia đình, vừa lo vợ bệnh, vừa chăm sóc 2 con (cháu lớn 15 tuổi, cháu nhỏ 14 tuổi) đang tuổi ăn, tuổi học.

Trước đây, khi còn khỏe mạnh, ai thuê chặt cây, vác gỗ, phụ hồ… anh Tứ đều nhận làm để kiếm thu nhập. 3 năm trước, trong một lần vác cây thuê trong rừng, anh Tứ không may bị tai biến nhẹ khiến sức khỏe yếu, không làm được việc nặng như trước.

Thế nhưng, để có tiền hàng tháng gửi xuống cho vợ chạy thận, anh Tứ vẫn gắng sức vào rừng tìm mật ong, hái măng mang ra chợ, về xuôi bán. Cố gắng tích góp, vay mượn nhưng mỗi tháng anh cũng chỉ gửi đủ tiền phòng trọ và 500.000 đồng cho vợ sinh hoạt.

Để có tiền cho vợ chạy thận suốt nhiều năm qua, anh Tứ đã vay mượn với tổng số tiền gần 50 triệu đồng của anh em họ hàng, bà con làng bản. Với người đàn ông nghèo khó này, đây là số tiền quá lớn mà không biết đến bao giờ anh mới trả hết được.

Bình luận Facebook